Nghề chuyên viên tư vấn nhân sự là nghề như thế nào ?
TTO - * Nghề chuyên viên tư vấn nhân sự là nghề như thế nào, cần có tố chất gì? Muốn theo nghề phải thi trường nào, ngành nào? Cơ hội việc làm của nghề này trong vòng 5-6 năm nữa ra sao? (Chung Truong Quoc Duy, luckyboy_2795@...)
- Chào bạn, bộ phận nhân sự là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động. Bộ phận này đảm bảo các yêu cầu về luật pháp được áp dụng một cách đúng đắn cũng như phát triển được năng lực của nhân viên. Nhân sự bao gồm các mảng chính: chiến lược nhân sự (kế hoạch nhân sự, chiến lược sử dụng nhân sự để đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất); phát triển nhân viên (đào tạo, nâng cao năng lực tay nghề…); hỗ trợ hành chính (các vấn đề về lương bổng, các loại bảo hiểm cho người lao động…).
Phẩm chất đầu tiên và quan trọng nhất của người làm công tác nhân sự là sự tận tụy. Người làm nhân sự là lo cho người khác những việc cụ thể như lương bổng, phúc lợi, đào tạo cũng như tổ chức bộ máy nhân sự như thế nào cho hiệu quả... Ở mức độ cao hơn, người làm công tác nhân sự cần có khả năng phân tích và tổ chức tốt để đảm bảo nguồn nhân lực có tính kế thừa và lâu dài hoặc đảm nhận công tác tuyển dụng (tuyển đúng người đáp ứng tốt nhất cho từng vị trí công việc).
Ở những doanh nghiệp quy mô lớn, Giám đốc nhân sự là người định hướng và tổ chức tất cả mọi hoạt động liên quan đến nhân sự (phần chi tiết sẽ có nhân viên làm). Người phụ trách nhân sự phải thực sự trở thành một thành viên trong bộ máy quản lý của doanh nghiệp với chức năng tham vấn, vạch ra đường lối, định hướng chiến lược lâu dài trong công tác nhân sự cho doanh nghiệp, đòi hỏi ở người phụ trách một tầm nhìn, khả năng tư duy chiến lược. Muốn trở thành người phụ trách nhân sự một công ty hoặc một người tư vấn nhân sự cho một công ty, bạn phải trải qua công việc của một nhân viên nhân sự.
Hiện tại, chưa có trường ĐH nào chuyên đào tạo những kỹ năng cụ thể cho nghề nhân sự. Một số ngành học “bà con gần” với nghề này có thể kể như: quản trị nhân lực, quan hệ lao động… Hiện tại, việc tuyển dụng người làm nhân sự các doanh nghiệp không yêu cầu bằng cấp chuyên môn. Yêu cầu đối với các ứng viên cho vị trí này là kinh nghiệm, vốn sống, khả năng phân tích và định hướng, tầm nhìn, khả năng tổ chức và quan trọng là kỹ năng làm việc tập thể. Trên thực tế nhiều người làm công tác nhân sự tốt nghiệp các ngành kinh tế, xã hội, sư phạm. Hầu hết những người làm nhân sự thành công phải qua quá trình tích lũy kinh nghiệm từ những công việc liên quan như: hành chính văn thư, nhân viên phụ trách công tác tiền lương, bảo hiểm… ở các công ty. Ngoại ngữ cũng là một yếu tố giúp bạn có cơ hội thành công hơn với nghề này.
Nhân sự hiện đang là ngành nghề ”nóng” trên thị trường lao động thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Khi làm công tác nhân sự, bạn có ưu thế tìm việc ở nhiều công ty khác bất kể lĩnh vực kinh doanh là gì, đây là lợi thế của nghề nhân sự so với một số nghề khác.
Tuoitre.Vn
Sự cần thiết của phân quyền
Phân quyền là một nghệ thuật hơn là một khoa học. Giám đốc hoặc trưởng bộ phận trước khi phân quyền cần phải hiểu rất rõ về năng lực cũng như tâm lý và động lực làm việc của người được phân quyền.
Phân quyền là hoạt động phân phối trách nhiệm thông qua chức năng của tổ chức và là một trong những quyết định quan trọng nhất trong quản lý. Phân quyền và việc ủy nhiệm công việc một cách chính thức để người được trao quyền chịu trách nhiệm những công việc cụ thể. Phân quyền là việc làm cần thiết vì không một CEO nào có thể 3 đầu 6 tay để thực hiện tất cả mọi việc.
Lợi ích của việc phân quyền:
Việc phân quyền ngày nay không còn nhằm chỉ là phân công công việc. Phân quyền ngày nay còn có nhiều mục đích. Những mục đích của việc ủy quyền là:
Phân rõ chức năng nhiệm vụ.
Xác lập quyền hạn, trách nhiệm đối với từng đầu công việc quan trọng.
Thử thách nhân viên trong trường hợp đào tạo và đánh giá nhân sự .
Làm sao để trao quyền hay ủy quyền hiệu quả?
Để trao quyền hiệu quả, người trao quyền cần nắm rõ các nguyên tắc:
Trao quyền nên có thời hạn. Việc trao quyền có thời hạn sẽ là động lực để kích thích nhân viên làm việc, nhất là trong trường hợp trao quyền đi kèm trao quyền lợi.
Nói rõ yêu cầu công việc, những chuẩn mực để đánh giá hoàn tất công việc. Điều này giúp người được trao quyền rõ ràng hơn trong công việc.
Định kỳ xem xét hiệu quả trao quyền.
Đánh giá, đào tạo và cải tiến.
Trao quyền có phải xóa bỏ trách nhiệm không?
Trao quyền hay phân quyền hay ủy quyền hiện nay có nhiều quan điểm về mặt trách nhiệm. Nhưng theo tôi, trao quyền hay ủy quyền hay phân quyền đều chỉ là tạo điều kiện cho cấp dưới chủ động làm việc chứ không phải cấp trên hết trách nhiệm. Về nguyên tắc, lãnh đạo cao nhất vẫn là người chịu trách nhiệm cao nhất tất cả hoạt động của công ty. Do đó trách nhiệm của lãnh đạo khi ủy quyền là phải thường xuyên đánh giá, xem xét tính hợp lý cũng như có định hướng đào tạo thích hợp để việc phân quyền được hiệu quả.
Dũng Nguyễn - quantrinhansu.Com.Vn
0 nhận xét :
Đăng nhận xét