Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

Sự cân bằng trong quản trị nguồn nhân lực

Khi xã hội trở nên thịnh vượng hơn, người lao động sẽ dành nhiều thời gian cho cá nhân và ít thời gian hơn cho công việc. Ông Grahame Wright, Phó tổng giám đốc Bộ phận Tư vấn về nguồn nhân lực Công ty Ernst & Young Singapore và ông Nguyễn Văn Nam, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Thuế và Tư vấn Công ty Ernst & Young Việt Nam đã chia sẻ những khía cạnh của các chính sách cân bằng giữa công việc và cuộc sống được áp dụng bởi các doanh nghiệp.

Chế độ làm việc linh hoạt

Chế độ làm việc linh hoạt có nghĩa là linh động trong các thỏa thụận như làm việc bán thời gian, theo định kỳ, chia sẻ công việc… Nếu không có sự lựa chọn về chế độ làm việc linh hoạt, người lao động có thể rời bỏ DN để   tìm kiếm   công việc khác đáp ứng được yêu cầu về thời gian, sức lực và những ràng buộc khác của họ.

Thời gian linh hoạt cho phép người lao động và DN thỏa thuận giờ làm việc dựa trên hoàn cảnh của mỗi cá nhân mà có thể là nằm ngoài giờ làm việc hành chính. Ví dụ, các bậc phụ huynh bắt đầu làm việc lúc 7 sáng và rời văn phòng lúc 4 giờ chiều để dành thời gian cho con cái sau khi hết giờ học tại trường. Việc này cũng giúp nhân viên chủ động đối với nạn tắc nghẽn giao thông trong khu vực họ sống, nhờ đó việc đi lại làm việc đỡ khó khăn và an toàn hơn. Chế độ làm việc linh hoạt có thể nâng cao tiến độ thực hiện kinh doanh bằng việc cung cấp thời gian hoạt động dài hơn. Chẳng hạn, DN kéo dài thời gian hoạt động nhằm tạo thuận lợi cho nhân viên liên lạc với khách hàng và đồng nghiệp ở các múi giờ khác nhau.

Một chế độ làm việc linh hoạt khác là làm việc tại nhà. Sự xắp xếp công việc này giúp giảm đáng kể thời gian, chi phí và áp lực của việc đi lại cho nhân viên. DN có thể giảm áp lực về yêu cầu không gian văn phòng. Nếu mỗi nhân viên được làm việc tại nhà một ngày mỗi tuần, nhu cầu về không gian văn phòng có thể giảm tới 20%. Tuy nhiên, chi phí trực tiếp liên quan tới làm việc tại nhà có thể bao gồm máy tính xách tay, điện thoại, đường truyền internet và các công nghệ cho phép nhân viên tiến hành công việc hàng ngày bên ngoài văn phòng. Người lao động làm việc tại nhà có thể phát sinh thêm chi phí điện và chí phí cho không gian làm việc tại nhà, nhưng tiết kiệm được chi phí đi lại. Thông thường, các DN sẽ hoàn trả các chi phí trực tiếp như điện thoại hoặc internet, nhưng họ ít khi trả các chi phí gián tiếp như tiền thuê nhà, chi phí điện nước.

Tiền   lương   linh hoạt là cách khác để đáp ứng các nhu cầu của người lao động. Điều này tự bản thân nó đã thể hiện một hình thức khác về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, trong đó DN có thể cung cấp các hoạt động thư giãn như một phần bù đắp thu nhập cho người lao động, như cung cấp thẻ thành viên câu lạc bộ sức khỏe hay phòng tập thể dục.

Chính sách thuế thu nhập cá nhân

Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có một số quy định nhằm khuyến khích nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người lao động bằng việc giảm các mức thuế và lần đầu tiên áp dụng giảm trừ gia cảnh cho cá nhân và người phụ thuộc, nhưng lại loại bỏ mức thu nhập không chịu thuế và đánh thuế gần như toàn bộ các khoản đãi ngộ khác cho người lao động.

Tại Singapore, DN có thể cung cấp các khoản đãi ngộ nhất định cho người lao động mà các khoản này được xem là miễn thuế cho nhân viên, vì vậy nó khá hiệu quả về mặt thuế. Chẳng hạn như các tiện nghi giải trí và thể dục thể thao, các hoạt động tập thể để tăng cường tình đồng nghiệp và tinh thần làm việc, các tiện ích về sức khỏe, trợ cấp nuôi con… Gần đây, danh sách này còn bao gồm các tiện ích giải trí và thể dục thể thao cung cấp bởi một bên thứ ba và thẻ khuyến mãi đến các khu giải trí. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì ngược lại, các khoản lợi ích này bị chịu thuế TNCN.

Những DN cung cấp cơ sở chăm sóc trẻ em ngay tại nơi làm việc ở Singapore có thể nhận phụ cấp công trình và phụ cấp vốn đối với chi phí vốn và cấn trừ số lỗ phát sinh do cung cấp các tiện ích này. Ngoài ra, DN có thể xin hỗ trợ tài chính cho việc phát triển các phương tiện chăm sóc trẻ em. Các lợi ích này cũng không bị đánh thuế đối với người lao động. Mặc dù có sự ưu đãi trên, nhưng các lợi ích này không phổ biến ở Singapore.

Luật Thuế TNCN Việt Nam có quy định một số khoản thu nhập không chịu thuế như tiền lương ngoài giờ, các khoản chi từ quỹ bảo hiểm xã hội như trợ cấp thai sản, các khoản giảm trừ gia cảnh… Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn khá hạn chế so với Singapore.

Tầm quan trọng của việc cân bằng công việc và cuộc sống

Sự cân bằng này sẽ giúp người lao động giảm căng thẳng liên quan tới công việc và giảm nguy cơ kiệt sức. Nó cũng có ảnh hưởng tích cực đến gia đình và các mối quan hệ khác, cũng như sức khỏe và tinh thần của người lao động. Chế độ làm việc linh hoạt và việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ em một cách thuận lợi tại hay gần nơi làm việc cho phép nhiều bà mẹ và các nhân viên lớn tuổi quay lại làm việc, trong khi đảm bảo họ duy trì được các ràng buộc cá nhân và gia đình. Nhiều người lao động làm việc tại nhà hoặc sử dụng thời gian làm việc linh hoạt có thể giảm bớt nạn kẹt xe, diện tích văn phòng (đang ở mức giá cao), giảm tải ô nhiễm và khí thải. Điều này tạo ra nhiều thời gian riêng tư hơn cho người lao động và nói chung sẽ giúp người lao động vui vẻ hơn, hiệu suất làm việc cao hơn và có thể dẫn tới chi tiêu nhiều hơn cho giải trí, giúp thúc đẩy lĩnh vực kinh tế dịch vụ.

Đối với những DN đạt được thành công trong thách thức của sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, họ có thể có những lợi thế khác biệt trong thị trường, vì nó giúp làm giảm sự tiêu hao sức lực, giảm sự vắng mặt không có lý do chính đáng, tăng năng suất lao động và kéo dài thời gian làm việc hiệu quả. Việc thực hiện các hoạt động giúp cân bằng công việc và cuộc sống khiến nhân viên gắn bó với DN hơn và tăng cường khả năng thu hút nhân tài mới. Giảm chi phí liên quan đến người lao động nghỉ việc và tăng năng suất lao động của người lao động có cuộc sống cân bằng và hạnh phúc hơn có thể bù trừ cho bất cứ chi phí tăng thêm liên quan đến việc cung cấp các lợi ích cho nhân viên. Trong trường hợp này, chính tác động của thị trường chứ không phải các chính sách thuế có thể là chất xúc tác tốt nhất cho sự duy trì cân bằng cuộc sống và công việc. Tuy nhiên, trong lúc này, thêm một ít ưu đãi về chính sách thuế cho người lao động có lẽ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu ngân sách.

Quantri.Vn

Tầm nhìn lãnh đạo với phát triển nguồn lực doanh nghiệp thời kỳ hội nhập - câu chuyện về chuẩn bị kỹ năng ngoại ngữ

Từ khi Việt Nam mở cửa hội nhập với thế giới, tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ chưa bao giờ lại được nhắc tới nhiều như trong thời buổi hiện nay. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, sau năm năm gia nhập WTO, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện hơn so với thời kỳ trước đó. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt vẫn còn thấp, độ ổn định chưa cao. Một trong những nguyên nhân đang hạn chế sự hội nhập của doanh nghiệp Việt là khả năng ngoại ngữ của nhân viên và quan trọng hơn chính là tầm nhìn của lãnh đạo cho hội nhập, mối quan hệ cơ hữu giữa một tầm nhìn rộng chuẩn bị cho một lực lượng lao động chất lượng cao, giỏi ngoại ngữ và khả năng hội nhập và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
   Vì thế, nghiên cứu của chúng tôi xuất phát từ vấn đề thực tiễn này, với mong muốn đánh giá hiệu quả thực sự trong việc định hướng phát triển doanh nghiệp, dưới góc độ tầm nhìn của lãnh đạo, trong việc khuyến khích nhân viên phát triển, hoàn thiện kĩ năng, cụ thể là kĩ năng ngoại ngữ. Kết quả khảo sát tiến hành trên số lượng lớn người đi làm về nhu cầu học tiếng Anh, cùng những chia sẻ thực tế từ lãnh đạo doanh nghiệp, đã cho thấy đang tồn tại khoảng cách lớn giữa nhu cầu học ngoại ngữ của nhân viên với tầm nhìn của lãnh đạo trong khuyến khích cấp dưới phát triển kĩ năng ngoại ngữ. Điều này đặt ra một câu hỏi về việc liệu tầm nhìn của lãnh đạo đối với phát triển nguồn lực nhân sự có ảnh hưởng như thế nào tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thời kỳ hội nhập.

1. Tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ
   Trong cuộc sống hiện đại hiện nay, ai cũng biết ngoại ngữ là cần thiết. Thế nhưng, để thật sự cảm nhận tầm quan trọng của nó, không ít người đã phải đúc rút từ những thất bại xương máu của bản thân. Ví dụ có thể kể đến như, thiếu kĩ năng giao tiếp, đàm phán bằng ngoại ngữ, nhân viên kinh doanh khó làm việc với đối tác nước ngoài, từ đó không đảm bảo hiệu quả công việc, thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Hay như nhân viên công ty được cử đi tham dự hội thảo, triển lãm quốc tế nhưng không trang bị kĩ năng ngoại ngữ cần thiết, không tự tin giao tiếp, đàm phán với đối tác nước ngoài, làm ảnh hưởng đến công việc cũng như uy tín doanh nghiệp. Môi trường làm việc hàng ngày chưa có nhiều yếu tố nước ngoài vô hình chung tạo nên tâm lý cho rằng ngoại ngữ chưa cần thiết trong nhiều người đi làm. Tuy nhiên, hiện nay, hàng ngày vẫn xảy ra nhiều trường hợp khi hiệu quả hoạt động kinh doanh của nhân viên cũng như doanh nghiệp bị hạn chế do không vượt qua rào cản của ngôn ngữ.
   Đối với doanh nghiệp, nguồn lao động chất lượng cao và giỏi ngoại ngữ trước tiên giúp doanh nghiệp tự tin trong giao tiếp với doanh nghiệp, đối tác nước ngoài; giúp vấn đề thương thảo, đàm phán diễn ra chủ động. Xa hơn nữa, một đội ngũ nhân viên giỏi ngoại ngữ giúp tăng khả năng cạnh tranh cũng như ứng phó nhanh với bất ổn trong môi trường kinh doanh toàn cầu. Đồng thời, chính nguồn lao động ấy sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác với nước ngoài, tối ưu hoá quá trình chuyển giao công nghệ và tri thức. Đặc biệt, nguồn nhân lực giỏi ngoại ngữ còn có thể học hỏi nhanh cách làm việc, quản lý, văn hoá doanh nghiệp nước ngoài, từ đó chọn lọc và bổ sung, giúp hoàn thiện hơn bộ máy vận hành trong doanh nghiệp nội địa.

2. Đánh giá về nhu cầu học ngoại ngữ của người đi làm
   Trong khoảng thời gian từ tháng 7 tới tháng 8 năm 2012, các tác giả đã tiến hành nghiên cứu về nhu cầu học tiếng Anh đối với người đi làm thông qua khảo sát, điều tra trực tuyến (E-survey). Có tất cả 188 bản khảo sát được thu về, với sự tham gia đóng góp ý kiến của thành viên 149 doanh nghiệp, chủ yếu trên địa bàn Hà Nội. Trong tổng số kết quả thu về, 31.9% là nhân viên kinh doanh, còn lại trải đều trong nhiều vị trí công việc khác nhau. Số lượng nhân viên trong lĩnh vực CNTT chiếm số đông với 28.72% tham gia khảo sát. Ngoài ra, lĩnh vực hoạt động, công tác của đối tượng tham gia cũng vô cùng đa dạng, có thể kể đến như: giáo dục, truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, dịch vụ, viễn thông, cơ khí,vv.Theo kết quả khảo sát, 99% nhận thấy tiếng Anh rất cần thiết cho người đi làm. 90% chia sẻ phương thức học chủ yếu của họ là tự học, 48% đã từng hoặc đang tham gia học tiếng Anh tại trung tâm. Trả lời về lý do chưa tham gia học tại trung tâm, 48% cho biết họ chưa sắp xếp được thời gian. Đồng thời, với những người từng học tại trung tâm, họ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và học tập ngoại ngữ.
   Từ phân tích kết quả khảo sát, có thể nhận thấy gần như tất cả những người đi làm đều ý thức được tầm quan trọng của tiếng Anh trong công việc. Tuy nhiên, vì tự học là chủ yếu, nên người lao động còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kĩ năng ngoại ngữ cá nhân. Lý do chưa thu xếp được thời gian cũng một phần xuất phát từ nguyên nhân, doanh nghiệp hoàn toàn chưa đóng một vai trò khuyến khích hoặc chủ động hỗ trợ nhân viên trau dồi khả năng ngoại ngữ, nếu không muốn nói là số lượng doanh nghiệp tiến hành đào tạo nội bộ về ngoại ngữ cho nhân viên còn chiếm một số lượng rất nhỏ.

3. Đánh giá nhu cầu thực tại về việc đào tạo ngoại ngữ với tư cách là người lãnh đạo
   Để đối chiếu nhu cầu của người đi làm và quan niệm của người lãnh đạo doanh nghiệp, nhóm tác giả đã tiến hành phỏng vấn 5 lãnh đạo từ 5 doanh nghiệp thuộc các ngành: ngân hàng, CNTT, bất động sản, phát triển cộng đồng, nước giải khát. Trong đó có 3 doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (20 nhân viên), 2 doanh nghiệp với quy mô lớn (trên 300 người). Tuy thời gian khảo sát diễn ra ngắn và số lượng doanh nghiệp khảo sát là không nhiều nhưng kết quả đưa ra cũng đã phản ánh phần nào thực tế hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam.
   Kết quả khảo sát cho thấy, mức độ thúc đẩy của lãnh đạo doanh nghiệp đối với việc nhân viên học ngoại ngữ phụ thuộc rất nhiều từ các yếu tố : lĩnh vực hoạt động, quy mô, chiến lược kinh doanh và phạm vi hoạt động của doanh nghiệp. Tùy thuộc vào tình hình thực tế của doanh nghiệp mà các lãnh đạo sẽ có mức độ quan tâm khác nhau đối với việc khuyến khích nhân viên trau dồi ngoại ngữ.

4. So sánh, đánh giá từ kết quả khảo sát và phỏng vấn
   So sánh, đối chiếu kết quả khảo sát nhu cầu học tiếng Anh của người đi làm với phỏng vấn từ một số lãnh đạo về thực tế học ngoại ngữ trong doanh nghiệp và tầm nhìn phát triển trong thời gian tới, có thể thấy đang tồn tại một khoảng cách giữa nhu cầu học ngoại ngữ của người lao động với tầm nhìn của những người đứng đầu doanh nghiệp trong việc khuyến khích nhân viên phát triển kĩ năng ngoại ngữ. Đối với nhân viên, việc chưa được khuyến khích học ngoại ngữ bằng những chính sách cụ thể cho thấy động lực thúc đẩy hiệu quả lao động của doanh nghiệp còn hạn chế. Đối với doanh nghiệp, việc lãnh đạo có tầm nhìn trong xây dựng chiến lược phát triển, cụ thể là đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng vai trò tiên quyết, quyết định sự thành bại của doanh nghiệp, không chỉ trên thị trường nội địa, mà còn trên sân chơi quốc tế, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
   Một ví dụ điển hình có thể kể tới là tập đoàn viễn thông quân đội Viettel. Doanh nghiệp kinh tế quốc phòng 100% vốn nhà nước. Trong năm 2011, khi kinh tế Việt Nam vẫn đang trong thời kì khó khăn, Viettel vẫn tăng trưởng đều và là doanh nghiệp có lợi nhuận lớn thứ 2 trong toàn bộ gần 500,000 doanh nghiệp đang hoạt động. Đặc biệt, năm 2011, mức doanh thu hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel đạt trên 10.000 tỷ đồng (xấp xỉ 500 triệu USD), với việc vươn xa hoạt động ra 5 quốc gia. Từ những kết quả đạt được, có thể thấy Viettel là một trong những doanh nghiệp ở đó cho thấy hiệu quả trong việc định hướng cho doanh nghiệp theo tầm nhìn lãnh đạo. Yêucầu về kĩ năng, đặc biệt là kĩ năng ngoại ngữ được đặt ra từ những bước tuyển dụng đầu tiên khi vào tập đoàn. Các chính sách với nhân viên đi nước ngoài linh hoạt,vừa mang tính khuyến khích vừa có tính bắt buộc, huy động được toàn bộ nhân viên có tinh thần chuẩn bị sẵn sàng công tác trong môi trường ngoại quốc. Trong nước, do ngoại ngữ là một trong những yếu tố quan trọng đánh giá trình độ của nhân viên, Viettel đã tạo nên ý thức học tập vừa là nhu cầu tự thân vừa là điều kiện bắt buộc với mỗi cá nhân trong tập đoàn. Trong thời gian 2007-2012, tổ chức Đoàn thanh viên Viettel đã tổ chức 758 lớp học thanh niên, cùng nhau đào tạo nghiệp vụ sản xuất kinh doanh, kỹ thuật ngoại ngữ, tin học. Ban lãnh đạo luôn cố gắng tạo điều kiện, khuyến khích nhân viên học thông qua phương thức học đa dạng, phong phú, tiện lợi, phù hợp với từng đơn vị, VD: đưa công nghệ E-learning vào đào tạo và phục vụ thi trực tuyến, đào tạo tiếng Anh qua điện thoại thông qua tin nhắn…Các ý tưởng đóng góp cho công tác đào tạo ngoại ngữ luôn được khuyến khích nhằm phục vụ cho việc hoàn thiện kĩ năngcho toàn bộ nhân viên trong tập đoàn.

5. Từ kết quả nghiên cứu bước đầu và thông qua trường hợp của Viettel
   Bài học thành công của Viettel là minh chứng rõ ràng cho việc tầm nhìn đúng đắn của những người đứng đầu doanh nghiệp trong việc khuyến khích nhân viên phát triển các kĩ năng, đặc biệt về ngoại ngữ, có thể đem tới thành công cho cá nhân lao động cũng như toàn thể doanh nghiệp ở bất kỳ tình hình kinh tế nào. Còn lại, độ sáng  tối trong tương lai doanh nghiệp thời gian sắp tới, chúng tôi xin nhường lại công việc này cho người lãnh đạo, những người hoạ sĩ, những thuyền trưởng đang trực tiếp lèo lái con thuyền doanh nghiệp trên con đường hướng thẳng ra đại dương kinh tế thế giới.

Kỷ yếu ngày nhân sự Việt Nam
Nguyễn Thị Lan Anh
Nguyễn Ngọc Hưng
(Trung tâm Đào tạo Ngắn hạn và Tư vấn ISCSC Khoa Quốc tế Đại học Quốc Gia Hà Nội)

0 nhận xét :

Đăng nhận xét