BSC (Thẻ điểm cân bằng) là một hệ thống quản lý giúp nhà quản trị và toàn bộ nhân viên của tổ chức xác định rõ tầm nhìn, chiến lược và chuyển chúng thành hành động. BSC cũng cung cấp các thông tin phản hồi về các quá trình hoạt động trong nội bộ cũng như kết quả đạt được. Toàn bộ nhân viên trong tổ chức từ đó có những cải tiến liên tục nhằm đạt được kết quả như đã đề ra.
Được biết BSC ra đời năm 1992 do David Norton - chuyên viên về công nghệ thông tin và Robert Kaplan - giáo sư về kế toán quản trị của Trường Kinh doanh Harvard đưa ra để lập chiến lược. Mô hình BSC được Tạp chí Harvard Business Review đánh giá là một trong 75 ý tưởng có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 (Paul N. Riven, 2006).
Chỉ một vài năm sau khi ra đời, BSC đã được một nửa các tổ chức trong danh sách Fortune 1000 vận dụng và công nhận tính hiệu quả. Tính đến cuối năm 2015, đã có hơn 80% các tổ chức trong Fortune 500 trên thế giới, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, áp dụng thành công BSC.
Mặc dù có rất nhiều mô hình và phương pháp xây dựng chiến lược, nhưng BSC được ưa chuộng hơn cả nhờ ưu điểm nổi bật. Phải kể tới như chuyển đổi tầm nhìn chiến lược của tổ chức thành những mục tiêu hành động cụ thể cho từng bộ phận và nhân viên nên BSC giúp cho các tổ chức đạt hiệu quả cao trong thực thi chiến lược. BSC còn phổ biến đến mức các chuyên gia khẳng định: "Nói đến quản trị chiến lược lànói đến BSC".
Với cách xác định các thước đo và chỉ tiêu, BSC chuyển chiến lược và tầm nhìn thành một loạt các phép đo liên kết chặt chẽ với nhau để hoạt động của nhân viên đi đúng hướng. Hơn thế, trong mô hình BSC này, các kết quả của thẻ điểm trở thành yếu tố đầu vào cho việc xem xét, đặt vấn đề và nghiên cứu chiến lược.
Tại Việt Nam, BSC mới được tiếp cận trong vòng một thập kỷ gần đây. Bên cạnh những doanh nghiệp đã áp dụng thành công thì không ít doanh nghiệp thất bại. Tại hội thảo quốc tế "hoạch định và triển khai chiến lược theo Balanced Scorecard" ngày 24/10/2015 tài TP. HCM do Balanced Scorecard Institude Hoa Kỳ (BSI) tổ chức, các chuyên gia nhận định có nhiều lý do khiến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam thất bại trong việc ứng dụng công cụ quản trị đa năng này.
Cụ thể như thiếu công cụ đo lường và phân tích để chuyển dữ liệu thô thành báo cáo trực quan, các nhà quản trị chỉ chú ý đến kết quả kinh doanh, chỉ điều hành tổ chức theo kinh nghiệm và trực giác chứ không theo khoa học, ...
Theo: tapchitaichinh.vn
Bài viết: https://blognhansu.net.vn/2022/08/22/bsc-la-gi-kpi-la-gi/
0 nhận xét :
Đăng nhận xét